Những lưu ý khi xây nhà diện tích nhỏ

Thứ Tư, 16/03/2016, 09:13 GMT+7

Những lưu ý khi xây nhà diện tích nhỏ

Đối với nhà nhỏ nên sử dụng tường màu sáng sẽ giúp cho căn nhà rộng hơn. Nên sơn trần tối màu để tạo cảm giác trần cao hơn thực tế.

Theo kiến trúc sư Phạm Ngọc Thiên Ân, khái niệm nhà nhỏ trong xây dựng là những ngôi nhà có diện tích dao động từ 30 m2 đến 50 m2. Dạng nhà này được hình thành trong quá trình đô thị hoá trước đây, khi chưa có quy hoạch nên người dân tự ý phân lô và xây dựng.

Đặc thù của nhà nhỏ là diện tích không gian nhỏ, đường đi vào nhỏ, do quá trình tự phát nên nhà được xây tận dụng tối đa diện tích có được. Khi có nhu cầu sửa chữa, xây dựng, cải tạo sẽ gặp khó khăn bởi mặt bằng thi công nhỏ, khó khăn trong quá trình vận chuyển và tập kết vật tư, chứa vật tư. Đặc điểm này khiến cho chi phí vận chuyển tăng, mặt bằng thi công nhỏ nên số lượng nhân công không nhiều khiến cho thời gian thi công kéo dài hơn so với bình thường. Vì thế khi tính tỷ lệ đơn giá xây dựng trên m2 thì chi phí cho nhà nhỏ sẽ cao hơn nhà lớn, mặc dù xét riêng thì số tiền đầu tư cho nhà nhỏ ít hơn nhà lớn.

Thực tế hầu như các gia chủ nhà nhỏ đều có tâm lý “nhà nhỏ, chí phí nhỏ” nên chỉ chuẩn bị ít kinh phí đầu tư, không đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh và đáp ứng đúng nhu cầu của gia chủ. Mặt khác, một khó khăn thường gặp khi xây nhà nhỏ là các vấn đề thông thoáng, do hầu hết chủ đầu tư nghĩ nhà nhỏ nên sẽ sử dụng triệt để và tối đa diện tích.

Các vấn đề cần lưu ý khi xây dựng nhà nhỏ

1. Theo quy định của luật, nhà có diện tích 50 m2 được xây 100% diện tích, 100 m2 được xây 80% diện tích. Còn khoảng giữa 50 m2 và 100 m2, sẽ dùng công thức nội suy để tính ra % diện tích xây dựng (là phương pháp ước tính giá trị của các điểm dữ liệu chưa biết trong phạm vi của một tập hợp rời rạc chứa một số điểm dữ liệu đã biết).

2. Khi xây nhà, cần chú ý vấn đề thông thoáng và yếu tố ánh sáng phải đặt lên hàng đầu, đừng nên tận dụng triệt để mặt bằng mà bỏ qua yếu tố lấy sáng và thông thoáng. Do đó trong thiết kế nên lùi một phần diện tích nhỏ làm sân trước, sân sau, hoặc giếng trời, phù hợp cho việc thông gió, đưa ánh sáng vào nhà.

3. Ngôi nhà thông thoáng đầy đủ ánh sáng, đối lưu không khí tốt, sẽ tạo cảm giác rộng hơn về mặt không gian và thoải mái hơn cho các thành viên khi sinh hoạt.

4. Gia chủ nên định hướng rõ ràng nhu cầu sử dụng, hợp lý cho việc phân bổ không gian và mục đích sử dụng.

Gợi ý bố trí không gian cho ngôi nhà có diện tích nhỏ:

1. Đối với những ngôi nhà dài và hẹp, nên ngăn cách không gian thành từng phòng khác nhau. Như thế sẽ đem lại cảm giác không gian rộng và bớt đơn điệu hơn.

2. Tránh pha trộn nhiều kiểu thiết kế, hoặc sao chép lại mặt tiền của những ngôi nhà khác mà quên đi sự kết hợp bên trong và bên ngoài, dẫn đến một sự khập khiễng không đáng có.

3. Nhà nhỏ không nên cầu kỳ với các chi tiết khi thiết kế. Không nên bố trí quá nhiều đồ dùng không cần thiết mà nên để cho không gian được "thở" càng nhiều càng tốt.

4. Đối với nhà nhỏ nên sử dụng sơn tường màu sáng nhất có thể, sẽ giúp cho căn nhà rộng hơn. Sơn trần nên dùng tông màu tối để tạo cảm giác trần cao hơn bình thường nhằm đánh lừa thị giác.

5. Tùy vị trí nên phối hợp với gương nhằm tạo cảm giác không gian nhân đôi và rộng hơn. Khi sử dụng gương cần sự tư vấn để tránh bố trí gương sai phong thủy sẽ gây ảnh hưởng xấu cho gia đình.

10 lời khuyên giúp tiết kiệm chi phí xây nhà

Chọn thời điểm xây nhà vào mùa nắng ráo sẽ có nhiều thuận lợi: thời gian thi công không bị gián đoạn, giảm những chi phí phát sinh như phí thủ kho, bảo vệ, thất thoát vật tư, trượt giá, tiền điện...

Để xây dựng nhà đẹp khang trang vừa với túi tiền, bạn cần có sự chuẩn bị thật chu đáo trước khi bắt tay vào mời thầu. Với mỗi giai đoạn cần cân nhắc kỹ lưỡng, chặt chẽ, tuân theo kế hoạch ban đầu thì sẽ tránh được chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng. Nhiều năm công tác trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế và thi công nhà giá rẻ, kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải chia sẻ một số lời khuyên giúp gia chủ chủ động hơn trong việc giám sát quá trình thi công ngôi nhà của mình, đồng thời tiết giảm tối đa chi phí phát sinh.

1. Trang bị kiến thức cơ bản về xây dựng

Để chuẩn bị làm bất cứ việc gì nên trang bị cho mình vốn kiến thức cần có và một khoản kinh phí dự trù phù hợp với điều kiện gia đình. Những kiến thức này có thể học hỏi từ bạn bè hoặc tham khảo sách báo. Nhờ đó, bạn sẽ chủ động hơn và biết cách lựa chọn phương án làm việc phù hợp và tiết kiệm nhất.

2. Giai đoạn chuẩn bị

Đây là giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất. Trong thời gian này, bạn cần lập một kế hoạch rõ ràng, càng chi tiết càng tốt, ví dụ dự đoán tổng chi phí xây dựng, giá vật liệu xây dựng, nhân công... Bạn có thể tham khảo ý kiến của những người từng xây nhà trước đó cũng như của bạn bè, nhất là những người có hiểu biết trong lĩnh vực xây dựng. Việc tiếp thu nên có chọn lọc những ý kiến phù hợp với hoàn cảnh của ngôi nhà mình dự định xây.

Trong giai đoạn này, bạn cần cân nhắc giữa diện tích xây dựng và diện tích sinh hoạt, xem gia đình có bao nhiêu người để thiết kế số lượng phòng hợp lý. Cân nhắc được vấn đề này sẽ giúp bạn tránh tình trạng xây thừa phòng, làm lãng phí không gian và tốn chi phí xây dựng.

3. Chọn mua mảnh đất dễ xây

Nếu chưa có sẵn đất xây nhà, bạn nên chọn mua mảnh đất nào bằng phẳng, giao thông thuận tiện và gần những tiện nghi công cộng như trường học, chợ, siêu thị… Sự thuận lợi về địa thế giúp bạn giảm bớt rất nhiều chi phí trong quá trình xây dựng cũng như sinh sống sau này. Nên tránh mua đất ở những nơi lồi lõm, nhiều đá, nhiều nước, vì bạn sẽ mất công thuê người dọn dẹp, lấp đất, đập đá vừa mất công sức và tốn thêm chi phí.

Bạn nên tham khảo những người có chuyên môn để giúp bạn lựa chọn khu đất ở nơi gò đồi cao ráo, tránh những tầng địa chất yếu. Giả sử mua phải một mảnh đất ở khu vực có tầng địa chất yếu, bạn phải tốn một khoản kinh phí không nhỏ cho việc gia cố móng như ép cọc, khoan cọc nhồi, đóng cừ tràm. Ngược lại, đối với những nơi có tầng địa chất cứng, việc gia cố móng sẽ đơn giản hơn nhiều, có thể giảm từ 20% tới 30% giá thành so với vùng đất yếu.

4. Lựa chọn phong cách của ngôi nhà

Phong cách ngôi nhà sẽ quyết định số tiền bạn bỏ ra để chi trả cho việc thi công. Nhà theo phong cách biệt thự, cổ điển cầu kỳ đương nhiên sẽ mất nhiều chi phí xây dựng hơn so với một ngôi nhà mang phong cách hiện đại, đơn giản.

Nếu bạn có ngân sách vừa phải, hãy chọn phong cách nhà hiện đại, với đường mái và cửa sổ đơn giản. Thay vì những kiểu thiết kế lạ mắt, khác thường, hãy chọn kiểu nhà hình chữ nhật với vị trí xây, sơn tường và cảnh quan bắt mắt.

5. Đi thăm nhiều ngôi nhà đã xây

Bạn có chắc chắn rằng mẫu nhà mà mình lựa chọn đã đúng với mong ước của mình? Có thể sau tham khảo trên các sách và tạp chí kiến trúc, hay tận mắt ngắm nghía nhiều ngôi nhà mới xây, bạn sẽ thấy nhiều ngôi nhà duyên dáng hơn, phù hợp hơn. Lúc này bạn mới cảm thấy tiếc về quyết định của mình?

Vì vậy, để tránh điều này xảy ra, trước khi quyết định xây, hãy dành thời gian tham khảo và đi thăm thật nhiều ngôi nhà đẹp khác. Những ngôi nhà này có thể bạn bè hoặc các công ty kiến trúc giới thiệu để bạn tham khảo.

6. Thuê công ty thiết kế, kiến trúc sư và đơn vị xây dựng có uy tín

Từ bạn bè hoặc tham khảo sách báo, bạn nên tìm một công ty thiết kế, hoặc kiến trúc sư có kinh nghiệm, và đặc biệt là phong cách thiết kế của họ phải phù hợp với sở thích và yêu cầu sử dụng của gia đình bạn. Hãy đi xem những công trình mà đơn vị này đã thực hiện để đánh giá được trình độ của họ và chất lượng công trình.

Khi đã chọn được một đơn vị ưng ý, nên dành khoảng thời gian nhất định để đồng hành cùng kiến trúc sư. Cần trao đổi để đi đến thống nhất ngay từ đầu, tránh việc làm đi, làm lại mất thời gian của cả hai bên hoặc phát sinh những chi phí khác không cần thiết.

Khâu lựa chọn đối tác xây dựng rất quan trọng, chính những người có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này sẽ giúp bạn tìm ra một phương án tối ưu nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Họ sẽ giúp bạn từ khâu lựa chọn phong cách kiến trúc, bố trí công năng, màu sắc, phong thủy, vật liệu xây dựng, bố trí cốt thép phù hợp, đủ đảm bảo chịu lực, kiểm tra kỹ lưỡng trong quá trình thiết kế kết cấu (bằng phần mềm tính toán chuyên nghành) sao cho hợp lý, tiết kiệm nhất.

Ngoài ra, cần có những trao đổi chi tiết về công việc để chủ nhà và đơn vị tư vấn thi công có những hiểu biết rõ ràng về nhau, vừa tránh được tranh chấp xảy ra sau này cũng như tiết kiệm được thời gian của cả hai bên. Những thỏa thuận giữa gia chủ và công ty bạn thuê cần được ghi rõ trong hợp đồng càng chi tiết càng tốt nhằm đảm bảo quyền lợi song phương.

Trong trường hợp bạn đã có những hiểu biết rõ về lĩnh vực thiết kế kiến trúc xây dựng thì có thể tự thiết kế ngôi nhà mà không cần phải thuê công ty thiết kế. Làm được điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm một khoản không nhỏ chi phí xây dựng nhà, đồng thời kiến tạo được phong cách riêng, sở thích riêng cho ngôi nhà của bạn.

7. Chọn dịch vụ xin phép xây dựng

Nếu quá bận rộn, bạn có thể nhờ đơn vị tư vấn thiết kế kiêm luôn việc xin phép xây dựng. Trong trường hợp bạn có thời gian, hãy mượn một bộ bản vẽ thiết kế đã hoàn chỉnh rồi tự đi xin phép xây dựng. Nhờ đó, bạn có thể giảm được một phần kinh phí.

8. Chọn nhà thầu xây dựng

Đến giai đoạn thi công, cần cân nhắc kỹ lưỡng việc chọn nhà thầu xây dựng, hình thức thi công sao cho chất lượng, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Những nhà thầu giàu kinh nghiệm có thể đóng góp ý kiến tốt và hợp lý để giúp bạn có được ngôi nhà với giá thành phải chăng.

Dù chọn nhà thầu nào, hình thức thi công như thế nào thì trong quá trình thi công, dù mới bắt đầu hay trong giai đoạn xúc tiến, bạn cần nắm bắt rõ tiến độ thi công. Khi cần thiết có thể trao đổi với nhà thầu, đưa ra ý kiến của mình để cho việc xây dựng trở nên thuận lợi, phù hợp với quan điểm của bạn.

Lưu ý: Khi xây dựng phần thô là phần khung bê tông cốt thép, bạn không nên quá tiết kiệm mà chọn vật liệu kém chất lượng. Ngược lại, nên chọn những vật liệu tốt nhất vì phần này là quan trọng nhất, nó sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình.

9. Tính toán thời gian và chọn thời điểm khởi công

Bạn nên bắt đầu thi công vào mùa nắng khô ráo, sẽ thuận lợi rất nhiều, điều quan trọng là thời gian thi công không bị gián đoạn. Vì thời gian là vàng bạc nên thi công càng nhanh càng tốt, sẽ giảm được những chi phí không cần có như phí thủ kho, bảo vệ, thất thoát vật tư, trượt giá, điện, nước, ăn, ở, đi lại. Đặc biệt, nếu bạn vay ngân hàng để làm nhà thì việc tiết kiệm thời gian càng quan trọng.

10. Bỏ công sức và tận dụng sự trợ giúp của người thân, bạn bè

Không có cách nào tiết kiệm bằng việc bạn tự làm những việc trong khả năng và thời gian cho phép của mình.

Trước khi xây dựng, hãy trao đổi về những phần việc mà bạn sẽ tự làm với bên thầu xây dựng. Những việc mà chủ nhà có thể đảm nhận như tự sơn nhà, lát sàn, tự thiết kế cảnh quan sân vườn. Vào những ngày nghỉ, cả gia đình có thể cùng nhau làm. Với đôi chút công sức và tài sáng tạo, bạn sẽ rất vui và cảm thấy gắn bó vì tự mình thiết kế cho chính ngôi nhà của mình.

Ngoài ra, cũng có thể xây nhà tiết kiệm bằng một số biện pháp như giảm bớt công trình phụ. Riêng các tiện nghi sinh hoạt, có thể sắm sửa dần dần khi bạn có điều kiện hơn, không nên mua tất cả một lần khi chi phí không cho phép.

>> Không gian sống

Sự cần thiết của việc chống thấm khi thi công công trình

Với bất kỳ công trình xây dựng nào, việc chống thấm cũng đóng vai trò rất quan trọng, quyết định đến thẩm mỹ của bức tường, tuổi thọ của công trình. Để hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc chống thấm, chúng ta cùng tham khảo những chia sẻ dưới đây của các chuyên gia.

1. Lý do cần phải chống thấm cho ngôi nhà

Sơn, sửa nhà không những tiêu tốn một khoản tiền mà còn liên quan đến tổ ấm của gia đình bạn, vì vậy, bằng mọi cách bạn cần giảm thiểu hoặc loại bỏ đi những rủi ro có thể xảy ra. Với tường nhà, nếu không được chống thấm đúng cách thì sẽ xuất hiện các vết mốc, vết loang lổ gây mất thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, tình trạng ẩm ướt càng kéo dài thì càng gây ra tác động xấu đến cấu trúc, tuổi thọ của công trình. Không những thế, sự sinh sôi nảy nở của nấm mốc cũng làm cho sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị giảm sút. Biện pháp đơn giản và hữu dụng nhất để ngăn chặn những rủi ro nói trên là dùng chất chống thấm.

2. Thời điểm cần quan tâm đến việc chống thấm

Khi có ý định xây sửa ngôi nhà thì bạn đã cần ưu tiên đến việc chống thấm trước bởi nó sẽ đem lại vẻ đẹp cho nội thất, kiến trúc, những vấn đề liên quan đến tính thẩm mỹ. Về mặt xây dựng, sử dụng chất chống thấm cũng góp phần gia tăng độ kiên cố, tính bền vững của công trình. Thay vì phải tốn tiền và công sức để sửa chữa và khắc phục những sự cố phát sinh về sau thì chống thấm ngay từ đầu sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản tiền khá khá.

3. Công tác chuẩn bị trước khi chống thấm cho tường

Muốn đạt hiệu quả cho lớp sơn chống thấm, trước hết bạn phải làm sạch, khô bề mặt tường. Cần loại bỏ hoàn toàn màng sơn cũ, chất bẩn, nấm mốc, rong rêu bằng loại hóa chất thích hợp. Nếu bề mặt tường quá khô thì cần làm ẩm bằng cách lăn rulo với nước sạch trước khi thực hiện sơn. Nếu trên bề mặt tường có các vết nứt nhỏ xuất hiện thì phải đục khe nứt rộng hơn thành hình chữ V, làm sạch bui và trét lại bằng hỗn hợp 5 phần cát, 5 phần xi măng và 0.8 chất chống thấm.

4. Như thế nào là chất chống thấm tốt?

Thực ra, chất chống thấm chính là các chất hóa học có liên kết chặt chẽ với nhau để tạo ra lớp màng giúp ngăn chặn nước xâm nhập vào. Liên kết này càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng phát huy được hiệu quả chống thấm bấy nhiều. Tốt nhất, bạn nên lựa chọn sản phẩm chất chống thấm của những thương hiệu uy tín, lâu đời, được tạo ra từ nền công nghệ tiên tiến, bê mặt chắc chắn, không bị xốp để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Nguồn: http://xaydungnhadep.vn/nhung-luu-y-khi-xay-nha-dien-tich-nho-341.html

Tags: Giải pháp xây dựng nhà nhỏ, Xây nhà đẹp, Tư vấn thiết kế xây dựng
CatBeDeCal.com / Tư vấn chọn mua
No avatar
Đăng bởi minhthien
Tham gia 04/03/2015
Cấp độ Administrator
Bài viết 90/90
Tags: Giải pháp xây dựng nhà nhỏ, Xây nhà đẹp, Tư vấn thiết kế xây dựng
CatBeDeCal.com / Tư vấn chọn mua